Ngày nay, việc chụp ảnh đã trở thành thói quen và sở thích của nhiều người, chính nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ cao, kết hợp những tính năng hữu ích từ nhà sản xuất. Người dùng đã có thể dễ dàng nắm bắt những khoảnh khắc, chỉ với một cú bấm máy.
Chụp ảnh là một công việc cực kỳ dễ dàng, nó chỉ lấy đi của bạn vài giây, nhưng để có một bức ảnh đẹp, chuẩn xác là một chuyện hoàn toàn khác. Để giúp bạn có những tấm hình tốt hơn khi chụp ảnh với smartphone, hãy cùng TechZ điểm qua những thủ thuật đơn giản dưới đây:
1. Đừng để máy “rung” khi chụp
Ngón nghề cơ bản nhất khi chụp ảnh, chính là việc bạn phải giữ cho thiết bị của mình đừng bị rung. Hoặc ít nhất bạn phải mang theo một chân tripod hỗ trợ chiếc smartphone của bạn. Nếu chẳng may bị rung, độ chuẩn xác trên tấm hình của bạn sẽ bị giảm hẳn. Nó sẽ còn lộ rõ những khuyết điểm hơn nếu như thiết bị không cung cấp chế độ ổn định hình ảnh thông minh (Optical Image Stabilizer). Những vấn đề này thường xuyên xảy ra đối với những dòng smartphone mỏng, có trọng lượng nhẹ, dẫn đến quá trình cầm nắm không vững vàng.
2. Đừng “phóng to” khi đang chụp
Những tưởng, chế độ zoom số (phóng to) sẽ mang đến cho bạn những tấm hình rõ hơn khi ở chụp những vật thể ở xa. Điều đó là hoàn toàn sai, quá trình bạn zoom khi chụp sẽ khiến hình ảnh mất chi tiết và chất lượng giảm đáng kể. Vì đa số smartphone hiện nay, camera chưa đạt đến ngưỡng để có những tấm hình chi tiết tương đương máy ảnh DSLR, thậm chí là máy ảnh compact. Trong trường hợp này, tốt nhất là bạn nên tiến gần đến vật thể muốn chụp, hoặc sử dụng một số phần mềm chỉnh sửa để làm nổi bật chủ thể sau khi đã chụp xong.
3. Chọn tỉ lệ phù hợp, độ phân giải cao nhất
Trước khi bấm máy, bạn hãy truy cập phần cài đặt camera và thiết lập ở mức phân giải cao nhất có thể. Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng tỉ lệ 16:9 cho tấm hình của bạn. Trừ trong trường hợp bất khả kháng, khi cảm biến máy ảnh có khung hình 16:9. Ví dụ như Motorola Moto X, Droid Ultra hay HTC One đều sử dụng cảm biến máy ảnh mặc định là 16:9. Điều này sẽ mang đến cho bạn những tấm ảnh “rộng” hơn so với tỉ lệ 16:9 phổ biến xưa nay. Kéo theo đó, chất lượng cũng giảm, chẳng hạn như HTC One đạt độ phân giải cao nhất là 16:9 (4MP), nhưng với khung hình 4:3, độ phân giải chỉ còn 3.1MP.
4. Chùi sạch ống kính
Một việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng ảnh chụp. Với một thiết bị smartphone thông thường, khi bạn bỏ trong túi quần, đặt lên bàn, thậm chí là cầm nó trên tay. Ống kính cảm biến sẽ không tránh khỏi trường hợp bẩn bởi bụi, mồ hôi tay, dấu vân tay. Việc chùi ống kính bởi một tấm vải mềm trước khi bấm máy tuy có hơi rườm rà, nhưng sẽ mang đến cho bạn một tấm hình ưng ý hơn.
5. Lấy nét cho chuẩn rồi hẳn chụp
Người dùng thường có thói quen, khởi động lên camera là chụp ngay. Đó là một thói quen xấu, khiến cho tấm hình của bạn kém hẳn so với chất lượng thực của ống kính cảm biến. Khi trình máy ảnh đã được khởi chạy, bạn nên chạm vào những chủ thể muốn chụp hoặc khu vực quanh đó, để máy có thể nhận dạng và lấy nét đúng như những gì bạn mong muốn. Đặc biệt, bạn nên chú ý đến những trường hợp thiếu sáng.
6. Quy tắc một phần ba khi chụp ảnh
Bố cục trong nhiếp ảnh cũng là một phần không thể thiếu đối với những ai thích chụp ảnh. Hãy tưởng tượng rằng hình ảnh sắp được chụp của bạn được chia thành ba phần bằng nhau, theo chiều dọc và theo chiều ngang (như hình ảnh dưới). Việc đặt chủ thể nằm phía trong lưới, hoặc nằm đường giao nhau của lưới sẽ thể hiện mỗi sắc thái khác nhau của hình ảnh.
Chủ thể nằm khu vực trung tâm (trong lưới) tạo được điểm nhấn chính ngay trên tấm hình, còn nếu đặt chủ thể ngay các điểm giao nhau của đường lưới, bức ảnh sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn mới mẻ hơn, tạo điểm nhấn ngoài không gian hơn. Thường thì các bức ảnh chụp chân dung sẽ áp dụng phương thức đưa chủ thể vào vị trí trung tâm hơn là các bức hình kết hợp bối cảnh ngoài trời. Như tấm ảnh trên, việc bố cục chủ thể vào các đường giao nhau sẽ hợp lý hơn.
7. Tìm hiểu thêm các chế độ chụp
Vào thời điểm hiện nay, các thiết bị smartphone (đặc biệt là Android, Windows Phone) luôn mang đến cho người dùng rất nhiều những chế độ, tùy chỉnh bổ ích khi chụp ảnh. Họ có thể xóa đối tượng chuyển động, bổ sung thêm nhiều hiệu ứng, chụp chủ thể chuyển động nhanh, chế độ chụp ban đêm v..v. Bạn hãy chịu khó tìm hiểu, để biết nên sử dụng các chức năng hữu ích này trong trường hợp nào.
8. Thử các trình chụp ảnh khác ngoài mặc định
Hệ sinh thái Android, iOS hay Windows Phone đều được các lập trình viên bổ sung rất nhiều ứng dụng chụp ảnh, kèm theo dó là rất nhiều tùy chỉnh hay ho, phong phú hơn hẳn trình mặc định. Ứng dụng FV-5 cho Android, hay KitKam cho iOS là một trong những trình camera “bên thứ 3” rất đáng để bạn thay thế giao diện truyền thống. Tận dụng tối đa thế mạnh thiết bị của bạn, thử tải và trải nghiệm ngay nào!
9. Chụp nhiều hình ảnh
Bạn có thói quen chỉ chụp duy nhất một tấm hình? Hãy từ bỏ thói quen này nhé, bạn nên chụp thêm 1 hoặc 2 tấm nữa để so sánh thử xem nên chọn tấm nào tốt nhất cho tấm hình mình vừa chụp. Thường thì những tấm hình chụp sau luôn mang đến độ chuẩn xác cao hơn những tấm đầu tiên, sau khi đã rút kinh nghiệm về bố cục, chủ thể, và hướng sáng.
10. Chỉnh sửa hình ảnh
Một bức ảnh đẹp nó sẽ càng lung linh, hoặc đậm chất nghệ thuật hơn nếu bạn biết phù phép cho nó bởi các phần mềm chỉnh sửa ảnh. Những hiệu ứng, bộ lọc màu sắc, điều chỉnh độ sáng, độ bão hòa, tạo các điểm mờ làm nổi bật chủ thể. Nhưng bạn cũng đừng nên quá lạm dụng chúng quá mức, nếu không, bức hình của bạn sẽ trở thành một “thảm họa”.
theo: techz.vn