Mưa lớn kỷ lục đang gây lũ lụt trên khắp tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Ít nhất 100.000 dân đã phải sơ tán, nhiều tài sản ngập trong nước lũ, một số doanh nghiệp lớn bị gián đoạn hoạt động và xuất hiện nguy cơ thiếu hụt lương thực, hàng hóa trên diện rộng.
Lũ quét nghiêm trọng, hàng trăm nghìn dân sơ tán
Do mưa lớn gây lũ lụt trên diện rộng, khoảng 100.000 người đã được sơ tán khỏi thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam), Bloomberg đưa tin. Theo hình ảnh do truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố, nhiều đoạn đường tại Trịnh Châu đang ngập trong nước.
Trong khi đó, các đoạn video đăng trên mạng xã hội cho thấy hành khách bị mắc kẹt bên trong một toa tàu điện ngầm ngập nặng, mực nước cao đến vai. Một số video khác cho thấy người dân được kéo đến nơi an toàn bằng dây thừng giữa dòng nước lũ chảy siết.rs).
Hãng thông tấn nhà nước Xinhua đưa tin, cho đến nay Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 12 người thiệt mạng do lũ lụt.
Trong 24 giờ tính đến 17h ngày 20/7, lượng mưa đổ xuống Trịnh Châu đạt 457,5 mm, mức cao nhất kể từ khi giới chức thành phố 10 triệu dân này bắt đầu thống kê số liệu.
Chưa kể, trong vòng một giờ từ 16h đến 17h cùng ngày, Trịnh Châu đón lượng mưa kỷ lục 201,9 mm, con số cao nhất từng ghi nhận tại Trung Quốc đại lục. Trung bình hàng năm, lượng mưa tại Trịnh Châu chỉ dao động quanh mức 640,8 mm.
Mưa lớn kỷ lục diễn ra ngay sau khi các thành phố lớn của Trung Quốc cảnh báo rằng nhiều nhà dân và nhà máy sẽ phải đối mặt với tình trạng mất điện trên diện rộng do nhu cầu đạt đỉnh và nguồn cung thiếu hụt.
Tuần trước, tỉnh Hà Nam đã bắt đầu cấm xuất khẩu than đá sang các khu vực khác do lo ngại về nguồn cung năng lượng dưới ảnh hưởng của đợt mưa lớn.
Doanh nghiệp nao núng
Hoạt động kinh tế tại tỉnh Hà Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tỉnh này là nơi đặt cơ sở lắp ráp iPhone lớn nhất giới, đồng thời là trung tâm sản xuất lương thực và công nghiệp nặng quan trọng của đất nước tỷ dân.
Một phát ngôn viên cho biết Nissan Motor đã phải tạm dừng hoạt động ở Trịnh Châu. SAIC Motor, hãng sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, thông báo rằng dịch vụ logistics quanh nhà máy của họ ở Trịnh Châu bị gián đoạn trong thời gian ngắn, nhưng nhà máy không bị hư hại.
Xe cộ hư hỏng chất đống trên đường phố Trịnh Châu, ngày 20/7. (Ảnh: Getty Images).
Hon Hai Precision Industry (tức Foxconn của Đài Loan) đang sở hữu nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới tại Trịnh Châu. Tập đoàn này cho biết họ đã kích hoạt một kế hoạch ứng phó khẩn cấp nhưng lũ lụt không gây thiệt hại trực tiếp đến nhà máy.
Cơ sở của Hon Hai tại Trịnh Châu thường tiếp nhận linh kiện từ các nhà cung ứng trong và ngoài nước để lắp ráp iPhone, sau đó vận chuyển thành phẩm ra nước ngoài. Lũ quét xảy ra ngay tại thời điểm Hon Hai dự tính tăng sản lượng trước khi Apple ra mắt các dòng thiết bị mới nhất vào cuối năm nay.
Nguy cơ thiếu hụt đủ thứ từ bột mì, thịt heo đến than đá
Lũ lụt ở Hà Nam cũng có thể gây hại đến nguồn cung cấp thực phẩm của Trung Quốc. Tỉnh này là nhà sản xuất lương thực lớn thứ hai của đất nước tỷ dân, chiếm khoảng 25% sản lượng lúa mì và là trung tâm chế biến thực phẩm đông lạnh lớn.
Hà Nam còn là quê nhà của tập đoàn chế biến thịt heo lớn nhất thế giới WH Group, đơn vị đã mua lại ông lớn ngành thịt Smithfield Food của Mỹ hồi năm 2013.
Mặc dù nông dân Trung Quốc đã thu hoạch xong vụ lúa mì chính, những trận mưa trên diện rộng trước đó đã làm ảnh hưởng đến chất lượng mùa màng của nhiều khu vực, bao gồm tỉnh Hà Nam.
Theo công ty tư vấn nông nghiệp Bric Agriculture Group (trụ sở tại Bắc Kinh), vấn nạn này có thể khiến nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc trong năm nay tăng 40% lên mức cao kỷ lục kể từ giữa những năm 1990. Hiện tại, Trung Quốc đã tăng mua lúa mì từ Mỹ, Canada và Australia.
Một góc thành phố Trịnh Châu ngập trong nước sau cơn mưa lớn, ngày 20/7. (Ảnh: AP).
Một số hàng hóa khác cũng đang bị ảnh hưởng bởi tình hình lũ lụt ở Hà Nam vì tỉnh này vốn là một trung tâm khai thác than đá và kim loại công nghiệp. Theo hãng nghiên cứu Mysteel, một số công ty sản xuất nhôm và thu mua kim loại phế liệu đã phải tạm dừng hoặc giảm quy mô hoạt động.
Hôm nay (21/7), các nhân viên cứu hộ và chính quyền địa phương đang tiếp tục làm việc để ngăn chặn nguy cơ vỡ đập, đồng thời khôi phục lại nguồn cấp điện cho người dân cũng như bơm nước khỏi các trạm xăng đang bị ngập nặng. Đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các quan chức đẩy mạnh cứu trợ người dân.
Greenpeace, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, cảnh báo rằng các hiện tượng thời tiết ở Trung Quốc phù hợp với mô hình thời tiết cực đoan trên toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong vài tuần gần đây, Mỹ và Canada đã trải qua những đợt nắng nóng chưa từng có. Châu Âu và Ấn Độ phải hứng chịu các trận lũ lụt lớn, trong khi cháy rừng lan khắp Siberia và hạn hán diễn ra tại nhiều khu vực của châu Phi và Brazil.
Thành viên Liu Junyuan của tổ chức Greenpeace cho hay: "Biến đổi khí hậu khiến cho các mô hình thời tiết cực đoan như nắng nóng và lũ lụt xuất hiện thường xuyên và gây tác hại chết người nhiều hơn trong 20 năm qua. Các sự kiện gần đây ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), cùng với Bắc Mỹ và châu Âu đều là những lời cảnh tỉnh nhắc nhở mọi người về cuộc khủng hoảng mà biến đổi khí hậu gây ra".